Những điều cần biết khi sử dụng đồng hồ đeo tay.
-
Người viết: nguyễn thuyên
/
1 - Tại sao đồng hồ tôi mua giá trên 2 triệu và là hàng chính hãng mà vẫn bị vào nước và trầy xước?
Đồng hồ chịu nước và chống xước được hay không, không phụ thuộc vào đồng hồ đắt hay rẻ mà phụ thuộc vào thiết kế của đồng hồ hay thông số kĩ thuật của đồng hồ về khả năng chịu nước và chống xước thường được ghi ở phần đáy của chiếc đồng hồ. Ngay cả những đồng hồ lên đến chục ngàn đô nhưng cũng chỉ chống nước ở mức rửa tay đi mưa và chống xước ở mức nhẹ, không bơi lội và chống xước được hay có những chiếc chỉ trên dưới 1 triệu như đồng hồ Casio thì lại có thể đi bơi thoải mái mà không sợ nước vào.
Chính vì vậy nên khi chọn đồng hồ bạn nên tìm hiểu kĩ lưỡng về dòng sản phẩm và các tính năng của sản phẩm đó sao cho phù hợp với tiêu chí mình đặt ra khi sử dụng một chiếc đồng hồ.
2 - Tại sao không nên đeo đồng hồ khi chơi thể thao?
Khi bạn chơi thể thao, ta thường xuyên tạo ra các xung động rất mạnh, đặc biệt những môn thể thao mà sử dụng đến tay như: bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, tenis…Những xung động này sẽ tạo ra 1 lực rất mạnh tác động lên các đầu trục bánh xe bên trong đồng hồ. Ta hãy thử tưởng tượng, kích thước của 1 đầu trục, bánh xe trong đồng hồ chỉ nhỏ như 1 sợi tóc, nên khi gặp lực tác động mạnh dễ gây ra cong, thậm chí gẫy đầu trục làm hỏng đồng hồ. Hơn nữa, khi chơi thể thao có thể tạo ra sự va chạm,chấn động gây biến dạng hình dáng dây đeo hay nứt vỡ mặt kính đồng hồ.
Tuy nhiên hiện nay Đồng hồ Casio và các thương hiệu khác như đồng hồ Armani, đồng hồ Tissot, đồng hồ Citizen đều cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm phục vụ cho các tín đồ ưa vận động và thể thao. Các dòng đồng hồ thể thao với sáu kim và 3 nút bấm kết hợp nhiều tính năng ưu việt như bấm giờ, chống nước tuyệt đối và chống va đập cực tốt với giá thành cũng không quá cao.
3 - Tại sao đồng hồ cơ để lâu lại chết?
- Trước tiên chúng ta phải biết cơ chế hoạt động của đồng hồ cơ hoạt động như thế nào và cấu tạo của nó phức tạp ra sao.
Đồng hồ cơ có 5 bộ phận: bộ tạo năng lượng, bánh răng, bộ thoát, phần điều khiển và phần hiển thị thời gian.
Năng lượng được nạp vào đồng hồ bằng cách vặn cót hoặc bộ quay trên đồng hồ tự động. Năng lượng sau đó được truyền qua ổ cót tới các bánh răng. Các bánh răng quay và truyền động cho nhau. Để ngăn các bánh răng chuyển động xoay tròn hỗn loạn, đồng hồ cần có một bộ thoát (hồi). Bộ thoát này chạy theo nhịp, liên tục khóa và mở bánh thoát để bánh răng chạy theo nhịp.
Trục của các bánh răng được nối với các kim chỉ thời gian (giờ, phút hoặc giây). Khi đặt các kim này lên mặt đồng hồ, chúng ta sẽ biết được thời gian.
Bộ cót của đồng hồ có tác dụng tích trữ năng lượng và từ từ thoát ra tạo nên chuyển động làm quay kim của đồng hồ. Chính vì vậu khi năng lượng tích trưc trong bộ cót hết thì đồng hồ sẽ ngừng hoạt động lúc này bạn chỉ cần tiếp tục lên cót và đồng hồ sẽ lại hoạt động trở lại.
Đấy là cơ chế lên cót bằng tay hiện nay các nhà chế tác đồng hồ đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đồng hồ cơ có thể tự lên cót bằng chính các chuyển động cơ học của cánh tay chúng ta, chính vì vậy ngày nay đồng hồ cơ chúng ta chỉ cần thường xuyên đeo hàng ngày là cũng có thể tích trữ năng lượng vào bộ cót và giúp đồng hồ hoạt động thường xuyên.
4 - Tại sao không nên đeo đồng hồ khi tắm biển (trừ những đồng hồ chuyên dụng)?
Như chúng ta biết trong nước biển có muối và cát, vì vậy khi tắm biển nước muối và cát sẽ chui vào kẽ gioăng chống nước của đồng hồ như: đường gioăng núm với vỏ, đường gioăng kính với vỏ, đường gioăng nắp đáy với vỏ. Khi nước biển khô đi sẽ để lại muối và cát trong giăng làm cộm gioăng, dẫn đến nước vào bên trong máy đồng hồ. Hơn nữa, bản thân nước muối cũng là 1 chất hóa học có tính chất ăn mòn kim loại nên khi sử dụng đồng hồ nhiều trong nước biển sẽ làm gỉ 1 số chi tiết của đồng hồ, như các chốt của dây đồng hồ nơi mà muối và cát có thể dễ dàng nằm lại bên trong và ăn mòn dần các bộ phận bằng kim loại.
5 - Tại sao hàng tuần nên chùi rửa đồng hồ dây sắt bằng nước sạch với kem đánh răng?
Trong quá trình sử dụng đồng hồ, mồ hôi của người kết hợp với bụi bặm, các chất bẩn khác như cát, đất, lớp sừng của da người… sẽ len lỏi vào các khe kẽ của đồng hồ như khe vỏ với nắp đáy, khe kính với vỏ, khe núm với ống muống vỏ, các mắt dây đeo đồng hồ… đặc biệt là quai đeo đồng hồ, do sự ma sát của các mắt dây cọ vào nhau tạo thành các mạt kim loại kết hợp với những chất vừa nêu ở trên sẽ tạo thành 1 hỗn hợp rất “bẩn” và “mất vệ sinh”. Thậm chí có những người khi đeo đồng hồ thấy những vệt đen từ dây, vỏ đồng hồ loang ra tay mà nhầm tưởng do lớp mạ của đồng hồ bị hỏng. Vì vậy, hàng tuần nên chùi rửa bằng kem đánh răng để tẩy sạch các chất bẩn trong khe đồng hồ. Ngoài ra khi lau chìu và vệ sinh đồng hồ thường xuyên sẽ giúp đồng hồ luôn giử vẻ sáng bóng và long lanh như mới khiến bạn tự tin hơn với sản phẩm mà bạn đang sở hữu.
Với 5 điều chú ý trên hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm một chút kiến thức về đồng hồ đeo tay để các bạn có thể sử dụng chiếc đồng hồ đeo tay của mình sao cho đúng cách và bảo quản chúng được tốt hơn.
Chúc các bạn luôn ưng ý và hài lòng với sự lựa chọn của mình.